<<< Retour >>>

RFA

Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện và ca khúc Kim Vân Kiều

Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
2009-06-14

Chương trình Văn Học-Nghệ Thuật giới thiệu đến với quý vị Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện và tác phẩm phổ nhạc của ông từ danh tác Kim Vân Kiều của Nguyễn Du.

RFA - Truyen Kieu 3

Trước đây ít lâu ông đã hoàn thành phần đầu với 3 CD. Mới đây ông đã hoàn tất những CD cuối cùng cho tác phẩm đồ sộ này. Mặc Lâm có cuộc nói chuyện với tác giả Quách Vĩnh Thiện sau đây.

Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện đã sớm bước chân vào lãnh vực âm nhạc từ thập niên 1960 và là một trong những khuôn mặt của phong trào nhạc trẻ tại Sài Gòn lúc bấy giờ. Sang du học điện toán tại Pháp, ông học thêm tây ban cầm tại Hàn Lâm Viện Âm Nhạc Paris và ông cũng là người Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp tại nhạc viện nổi tiếng này.

Quá trình phổ thơ Kim Vân Kiều

Nói về quá trình phổ những bài thơ trong Kim Vân Kiều thành ca khúc, Nhạc sĩ Vĩnh Thiện cho biết:

NS Quách Vĩnh Thiện: Muốn làm truyện Kim Vân Kiều mà hết bộ thì phải mất nhiều thời gian, thì lúc đó là 2005 Thiện bắt đầu thấy cảm xúc với truyện Kim Vân Kiều nên Thiện tính chắc cũng đành bỏ hết thì giờ và tiền bạc để làm chuyện này. Trong 6 tháng đầu trong 2005 thì không viết nhạc mà chỉ nghiên cứu truyện Kim Vân Kiều thôi, nghiên cứu từng chữ một cho tới thấu hiểu; rồi từ đó Thiện mới cắt ra 77 bài mà trong số 77 bài đó thì Thiện đọc lại từng bài một, rồi mới nghĩ ra ai hát? Ca sĩ nào? Thành ra những người hát cho tới bây giờ Thiện đã chọn, chẳng hạn như Thiện viết bài cho Hương Giang thì Thiện đã chọn từ 2005 chớ không phải tình cờ mà làm xong mới chọn ca sĩ hát. Những bài hát Thiện làm thì Thiện đắn đo từng bài một để chọn ai hát và điệu nhạc gì.

Mặc Lâm: Xin mời quý vị thưởng thức một bài có giai điệu vui để mở đầu cho một chuỗi sự kiện sau đó trong danh tác Đoạn Trường Tân Thanh của thi hào Nguyễn Du, Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện phổ nhạc, qua giọng hát Quỳnh Lan.

Nhạc: Trăm năm trong cõi người ta,

          chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau..........

          Kiều càng sắc sảo mặn mà,

         so bề tài sắc lại là phần hơn.

Xin được phép quay lại với Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện.

Mặc Lâm: Thưa ông, sau khi dĩa CD cuối hoàn tất tác phẩm dài hơi này thì có nhiều ý kiến cho rằng ông đã dùng những giai điệu như rock vào rất nhiều bài hát. Vì Kiều là tác phẩm buồn nhiều hơn vui thì khi lựa chọn những giai điệu như vậy liệu có làm tổn thương cho tác phẩm văn học của cụ Nguyễn Du hay không?

NS Quách Vĩnh Thiện: Rock mình thu thì rất là buồn thảm. Tại người ta không hiểu chớ không phải rock là vui đâu. Chẳng hạn như bài "The man ...." nó hát rất là buồn. Dĩa số 6 đánh guitar điện là dĩa Thiện đặc biệt cố ý biểu diễn về guitar. Còn dĩa số 7, dĩa cuối cùng, Thiện trở lại nguyên thủy giống như dĩa số1 nhưng mà hoàn toàn khác, tại vì dĩa số 1 từ đầu tới cuối là cổ truyền Việt Nam. Dĩa số 7 để kết Truyện Kiều thì Thiện làm phân nửa nhạc Việt Nam, phân nửa nhạc Tây Phương. Người ta nói nó "monotone" (đều đều) là tại vì người ta không hiểu chương trình của Thiện đã sắp đặt tất cả những nhạc điệu trên thế giới này mà Thiện sẽ làm, trong đó có những bài hơi giống giống như của Nga (Russie) hay là Thổ Nhĩ Kỳ (Turquie) này kia. Có một nhạc điệu chưa ai làm, cả gan làm, là điệu valse. Điệu valse không có người nào chơi kiểu jazz . Valse là một điệu 3 kỳ, 3/4, khó làm jazz, vì thường đánh jazz phải đánh nhịp 4 chớ không phải đánh nhịp 3, tại vì nhịp 3 nó hơi contre-temps, mà Thiện làm nhạc jazz thì đó là một khám phá.

Trong 6 tháng đầu trong 2005 thì không viết nhạc mà chỉ nghiên cứu truyện Kim Vân Kiều thôi, nghiên cứu từng chữ một cho tới thấu hiểu; rồi từ đó Thiện mới cắt ra 77 bài mà trong số 77 bài đó thì Thiện đọc lại từng bài một, rồi mới nghĩ ra ai hát?

NS Quách Vĩnh Thiện

Mời quý thính giả thưởng thức một đoạn trong bài Tơ Đào tại CD số 6 do Hương Giang trình bày sau đây:

Nhạc: Duyên đâu ai dứt tơ đào,

          nợ đâu ai đã dắt vào tận tay.........................

         Cửa bồng vội mở rèm châu

         trời cao sông rộng một màu bao la.

Mặc Lâm: Thưa Nhạc Sĩ, tác phẩm Kiều được xem là vĩ đại nhất trong dòng văn học Việt Nam, khi phổ những bài thơ này thành ca khúc ông có nhắm vào yếu tố thính giả hay không? Hay nói một cách khác ông có kỳ vọng vào giới hiểu và yêu Truyện Kiều như ông hay không?

NS Quách Vĩnh Thiện: Tất cả những người Việt Nam ai cũng biết Truyện Kiều, nhưng mà bao nhiêu người biết rõ Truyện Kiều thì thực sự rất là ít. Chỉ những người trí thức này kia với những người nghiên cứu này kia họ mới hiểu rõ Truyện Kiều. Chẳng hạn tại Đại Học ở đảo "Ile de Réunion" có một "section" (phân ban) hiện giờ họ đương nghiên cứu về Truyện Kiều. Trong Đại Học đó người Pháp làm chớ không phải là người Việt Nam, để hiểu rõ đời sống của dân tộc Việt Nam cách đây 200 năm qua Truyện Kiều, họ khám phá ra tất cả những nhân vật, những cuộc sống của Việt Nam qua Truyện Kiều.

Niềm vui, khó khăn …

Mình nghĩ là mình làm cái chuyện này là phải làm một mình chớ không thể nào làm với một cơ quan nào mặc dù tiền bạc họ cống hiến cho mình thì cũng không được.

NS Quách Vĩnh Thiện


Mặc Lâm: Sau khi đã hoàn thành tác phẩm này điều gì khiến ông vui nhất, thưa Nhạc Sĩ?

NS Quách Vĩnh Thiện: Chuyện vui là cách đây gần 5 năm mình định công chuyện như vậy, mà mình định 2005 là mình làm và xong trong năm 2009. Cái vui này có lẽ là cái chuyện người nào cũng viết được 200 bài hát, nhưng mà viết bài trường ca, câu thơ này dính câu thơ kia, bài này dính bài kia, làm nhạc rất là khó, là tại vì không thể nào làm một lối nhạc từ đầu tới cuối điệu valse từ câu số 1 tới câu 3524, không thể làm điệu rumba vô được, mà phải biến chuyển bài này qua bài kia, rất là khó về âm nhạc. Cái chuyện khó thứ hai nữa là không đổi chữ, không thay đổi câu văn, không dời chỗ câu chữ.

Mặc Lâm: Trước khi chia tay với thính giả đang nghe Đài, chúng tôi xin tò mò hỏi Nhạc Sĩ một câu là khi sáng tác Kiều ông có nhận được tài trợ từ một tổ chức hay cá nhân nào hay không?

NS Quách Vĩnh Thiện: Nếu mà trở ngược lại thời gian 2005 thì phải nói đây là cái chuyện quá sức của Thiện về vấn đề âm nhạc, vấnđề thứ hai là tài chánh, tại vì trong khi làm nếu mà có một cơ quan "commerce" (thương mại) nhảy vô thì Thiện chắc chắn là tiêu tùng. Trong thời gian đó cũng có một số người có đầu óc thương mại họ muốn cộng tác với Thiện liền nhưng mà Thiện từ chối hết. Mình nghĩ là mình làm cái chuyện này là phải làm một mình chớ không thể nào làm với một cơ quan nào mặc dù tiền bạc họ cống hiến cho mình thì cũng không được.

Sau khi toàn bộ tác phẩm được công bố tại Pháp, nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện cho biết có rất nhiều buổi ra mắt rất thành công. Người Việt các nơi ông đi qua đều hết lòng cổ võ cho tác phẩm này. Người xa xứ thấy gần gũi nhau hơn khi nghe những giai điệu quen thuộc của Truyện Kiều mà ngày xưa đã từng đọc và say đắm. Chúng tôi xin được chúc mừng ông, một lữ hành cô đơn trên con đường giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam cho người Việt tha hương.

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.