<<< Retour >>>
<<< Préc. ___Suivante>>>
Nhạc sĩ QUÁCH VĨNH THIỆN
Họ và tên: Quách Vĩnh Thiện Ngày và nơi sanh: ngày 18 tháng 5 năm 1943, tại Sài Gòn nhằm ngày lễ Phật Đản. Học lực: Kỹ sư Tin học. VIỆN SĨ HÀN LÂM VIỆN ÂU CHÂU Gia cảnh: Con thứ tư trong số tám người con – 6 trai 2 gái - của ông Quách văn Vân, công chức bộ Công Chánh, Nha Hàng Hải VNCH và bà Lương Cẩm Vân. Tái hôn với Phan Thị Thanh Vân, cựu Xướng Ngôn Viên Đài Truyền Hình Việt Nam Cần Thơ trước 1975. Học trình: Lúc bé, học tiểu học ở trường Cầu Kho Sài Gòn. Học trung học ở trường Pétrus Ký Sài Gòn. Sau khi đậu Tú Tài năm 1964, sang Pháp du học Tại Pháp, lúc đầu học ở Faculté des Sciences à Bordeaux, năm sau, lên Paris theo học Faculté des Sciences à Orsay. Tiếp tục học Conservatoire National des Arts et des Métiers (CNAM). Kỹ Sư Tin Học do IBM France đào tạo. Hoạt động: Làm việc 41 năm trong lãnh vực tin học và liên tục trong vòng 31 năm ông đã cộng tác với một hãng lớn về điện tử Pháp (SOPRA GROUP) có hơn 12.000 kỹ sư. Trong lúc làm việc ông giữ chức vụ “Trách nhiệm về kiểm soát phẩm chất của các Logiciels về điều hành nhân viên” trước khi các logiciels nầy được đem bán cho các cơ quan khác (Responsable de qualité dans le domaine des Resources Humaines). Ông cũng thường đi đến các hãng lớn như Chanel, Cartier, Alstom, Cogéma, Domaine Royal Club à Evian… để cố vấn trong lãnh vực điều hành nhân viên qua hệ thống điện tử. Hiện tại dù đã đi nghỉ hưu, ông vẫn được hảng mời vào nhóm ‘công thần’ (Le Cercle des Masters) có khoảng 50 người, vì đã giúp hảng phát triển và thịnh vượng. Nhóm ‘des Masters’ nầy thỉnh thoảng họp mặt để theo dõi công việc làm ăn của Hảng và thường được hưởng miển phí cùng với người phối ngẩu những buổi ăn tiệc, du lịch hay giải trí ( xem opéra, xem triển lảm tranh …). Bắt đầu học đàn Tây Ban Cầm từ thuở nhỏ, từ 6 tuổi cho đến 14 tuổi được nhạc sĩ Hoàng Bửu truyền dạy môn nghệ thuật nầy. Ngoài Tây Ban Cầm, còn đàn Accordéon, Piano, Guitare Hawaienne, Mandoline, đàn bầu ... Yêu thích và chơi đàn từ nhạc cổ điển tây phương cho đến Jazz, Rock and Roll. Trong thời gian học tại trường Pétrus Ký, là trưởng ban văn nghệ, mỗi năm ban nhạc Pétrus Ký sang trường Gia Long đệm nhạc cho các cô học sinh Gia Long trong ngày phát phần thưởng cuối năm trong đó có ca sĩ Hoàng Oanh. Thuở ấu thơ ưa thích võ nghệ và âm nhạc, học võ Kung Fu từ lúc 9 tuổi, kế tiếp học Karaté đến đai đen. Lúc 15 tuổi đệm đàn Tây Ban Cầm cho những Đại Nhạc Hội Âm Nhạc với các ca sĩ danh tiếng thời ấy như ban Thăng Long, Cao Thái, Thanh Thúy, Elvis Phương, Công Thành… Lập ban Kích động nhạc tại Sài Gòn vào thập niên 60, Ban Les Fanatiques, cùng với Ca sĩ Công Thành. Trong thời sinh viên ở Pháp đệm đàn cho các ca sĩ Bích Chiêu, Tiny Yong… Là người có biệt tài lên dây đàn Piano và được công nhận có lỗ tai tuyệt đối (l’oreille absolue). Vào cuối thập niên 60, học nhạc tại Hàn Lâm Viện Pháp về đàn Tây Ban Cầm. Năm 1996 theo học Thiền, vì cảm nhận cuộc đời có vay có trả và thấu hiểu định luật của tạo hoá : Sanh Lão Bệnh Tử, nên phổ nhạc những bài tâm linh qua thơ của một Thiền Sư (Tô Lục Chuốc Hồng, Lục Tự Khai Minh, Chấn Động Lục Tự Di Đà, Lục Căn Lục Trần …). Ông cũng sáng tác rất nhiều nhạc tình cảm như Paris Tình Nở, Gởi Em Lời Nhung Nhớ, Tình Không Phai, Paris Mùa Lễ Hội, Nếu Một Mai Mình Xa Cách, đài RFI Việt ngữ thỉnh thoảng có phát thanh các bài nhạc nầy. Ngoài ra còn làm nhạc “Pop Music” như Living On Earth, Par Amour … Một sự tình cờ có dịp đọc quyển sách Kim Vân Kiều và thấu hiểu đó là kho tàng văn hóa của dân tộc Việt Nam mà UNESCO cũng công nhận là tuyệt tác của nhân loại. Từ đó tự nguyện phổ nhạc toàn bộ tập thơ Kim Vân Kiều (3254 câu thơ) qua 77 bài hát với ước mong là thế hệ sau có dịp thưởng thức thơ Kiều qua điệu nhạc, để tác phẩm nầy sống mãi với thời gian, không bị rơi vào quên lãng. 77 bài hát Kim Vân Kiều được thể hiện qua 7 CD với các ca sĩ trẻ nhưng giọng hát rất điêu luyện: CD1 - Trăm Năm Trong Cõi Người Ta CD2 - Bên Tình Bên Hiếu CD3 - Quyến Gió Rũ Mây CD4 - Tài Tử Giai Nhân CD5 - Cá Chậu Chim Lồng CD6 - Hại Nhân Nhân Hại CD7 - Chữ Tài Chữ Mệnh Song song là 7 CD nhạc hoà tấu Kiều có tựa đề Le Destin từ 1 cho đến 7. Công trình phổ nhạc Kim Vân Kiều là một việc làm rất khó khăn về sáng tác và kỹ thuật vì phải tìm đủ thể loại nhạc để tránh sự lập đi lập lại nhàm chán. Vừa sáng tác vừa hòa âm cho tròn bộ tác phẩm của thi hào Nguyễn Du mà vẫn tôn trọng nguyên vẹn không thay đổi một chữ một lời tuyệt tác nầy, nên nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện đã bắt đầu công trình từ năm 2005 và hoàn tất 77 bài nhạc vào năm 2009. Ngày ra mắt 7 CD phổ nhạc Kim Vân Kiều (12/4/2009) được diễn ra tại Học Viện Âm Nhạc Bussy Saint Georges (Conservatoire de Musique), một nơi có nhiều người Việt cư ngụ, được sự tán thưởng nồng hậu của cộng đồng Việt Nam, các ghế ngồi không còn chỗ trống. Lần thứ nhì, tác phẩm được ra mắt tại Giáo Sứ Việt Nam ở Quận 17 Paris, cũng được đồng bào hưởng ứng đông đảo. Ngày thứ bảy 28/11/2009, tại Thư Viện Ba Lan, số 6 Quai d’Orléans, Paris 4è, trong khu Île de Saint Louis, một nơi nổi tiếng là thanh lịch, có khung cảnh đẹp ở bên cạnh Nhà Thờ Đức Bà (Notre Dame de Paris) và bên bờ sông Seine thơ mộng, đã diễn ra buổi trình diễn Musique des Mots et des Couleurs do Hàn Lâm Viện Âu Châu về Khoa Học, Nghệ Thuật, Văn Chương (L’Académie Européenne des Sciences, des Arts et des Lettres - European Academy of Sciences, Arts and Letters ) tổ chức. Trong buổi trình diễn với 10 quốc gia tham dự nầy, có phần giới thiệu bằng Pháp ngữ công trình sáng tác phổ nhạc 77 bài hát Kim Vân Kiều của Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện do Thanh Vân đảm trách, phần biểu diễn Tây Ban Cầm do chính Nhạc Sĩ thực hiện và phần trình bày nhạc cụ cổ truyền VN do Giáo sư Tiến sĩ Quỳnh Hạnh và anh Nguyễn Thu phụ trách. Điều rất hân hạnh cho đất nước Việt Nam là chúng ta đã có được một tiết mục trong buổi trình diển rất chọn lọc đó, đem truyện Kiều và nhạc cụ VN quảng bá đến người Tây Phưong. Những nhân vật đến tham dự buổi trình diễn đều là thành phần trí thức thượng thặng của Âu châu. Tất cả khán giả đều tán thưởng nồng nhiệt 3 tiết mục của Việt Nam nầy. Sau buổi trình diễn, Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện qua công trình sáng tác của anh, anh đã được mời làm Thành Viên của Hàn Lâm Viện nầy. Sau đây là phần giới thiệu nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện trong quyển sách được phát cho quan khách chỉ đựơc tham dự qua giấy mời đặc biệt của Hàn Lâm Viện (Phần giới thiệu được viết bằng Pháp ngữ, đây là bản dịch) “Quách Vĩnh Thiện, từng là kỹ sư tin học đến ngày nghỉ hưu. Say mê âm nhạc từ nhỏ, anh đã học đàn Tây Ban Cầm lúc 6 tuổi. Từ năm 2005, dù vẫn còn đi làm việc, trong vòng 5 năm trời, anh đã miệt mài phổ nhạc toàn bộ 3254 câu thơ của Đại Thi Hào Nguyễn Du (1766-1820). Để thực hiện công việc «đội đá vá trời» nầy, Quách Vĩnh Thiện đã hoàn thành 77 bài hát mà vẫn giử nguyên văn lời thơ của Nguyễn Du, qua nhiều thể loại âm nhạc, từ nhạc dân tộc VN đến nhạc âm hưởng tân thời của nhiều quốc gia trên thế giới. Trường thi KIM VÂN KIỀU của Nguyễn Du được xem là tác phẩm văn học vĩ đại và được dân gian VN yêu chuộng nhất. Câu chuyện Thúy Kiều, cô gái trẻ đẹp, tài nghệ hơn người (sắc đành đòi một, tài đành họa hai) nhưng vì muốn cứu cha, đành phải hy sinh mối tình trong trắng, nhưng nồng thắm với Kim Trọng, một chàng trai nho nhã, thông minh, con nhà danh giá …. UNESCO đã xếp tác phẩm Kim Vân Kiều của thi hào Nguyễn Du vào hàng di sản văn hóa nhân loại. Ngoài ra, Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện còn sáng tác hơn 150 bài nhạc về Tình Yêu, Tâm Linh ...” Nhà thơ Đổ Bình, Chủ Tịch Câu Lạc Bộ Văn Hóa Paris, cũng là nhạc sĩ đã sáng tác nhiều bài nhạc, khi phát biểu về Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện trong ngày ra mắt CD Kim Vân Kiều tại Học Viện Âm Nhạc Bussy Saint Georges ngày 12/04/2009, đã nói như sau : “Hành trình vào cõi thơ là làm một cuộc phiêu lưu vô tận. Thơ vốn sẵn trong thiên nhiên, hàm chứa nhiều tính chất trong trời đất. Ngôn ngữ của thơ đôi khi ẩn trong văn, nhạc và hội họa, bắt nguồn từ cảm xúc tâm hồn. Trong nền văn học Việt Nam thi phẩm Ðoạn Trường Tân Thanh của đại thi hào Nguyễn Du không những là một tác phẩm trác tuyệt hàng đầu của đất nước mà còn là đóa hoa muôn sắc trên thi đàn quốc tế. Thi phẩm được dịch sang nhiều thứ tiếng ở những quốc gia có nền văn học cao như Pháp, Anh, Đức, Ý, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Hoa, Nga, Tiệp, Hung, Ba Lan… và tác giả Nguyễn Du đã được Cơ quan UNESCO liệt vào hàng danh nhân quốc tế... Rất nhiều, văn nhân, họa sĩ, trí thức, học giả, nhà phê bình... đã viết, phân tích, diễn thuyết, minh họa, biên kịch, cải lương… về giá trị tác phẩm của thiên tài Nguyễn Du qua những nét đẹp về phương diện văn chương, tư tưởng và hội họa… Những năm gần đây truyện Kiều đã được giới nhạc sĩ phổ thành nhạc. « Thơ và nhạc là hai nghệ thuật riêng biệt nhưng rất khắn khít nhau làm say đắm lòng người ». Thơ là nghệ thuật của «lờì», nhạc là nghệ thuật của «âm thanh». «Thơ phổ nhạc là nghệ thuật đem thêm âm hòa với âm thanh sẵn có trong thơ, hoặc thay đổi âm thanh của thơ chuyển thể thành những nốt nhạc để hát». Mấy năm gần đây dòng thơ phổ nhạc ở trong nước cũng như hải ngoại nở rộ, thơ nương nhạc chấp cánh, nhạc dựa thơ bay cao, mặc dù muốn phổ được một bài thơ «đạt» đúng nghĩa là một nghệ thuật rất khó ! Trong số những nhạc sĩ phổ thơ có Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện một người say mê âm nhạc ngay từ lúc còn thiếu thời. Anh đã từng sáng tác những ca khúc tình ca, đạo ca ở thập niên trước, nhưng mãi những năm gần đây tình cờ Quách Vĩnh Thiện đọc lại truyện Kiều và bùi ngùi thương cảm cho phận nàng Kiều bạc hạnh long đong, rồi thương mình mang kiếp tha hương qua câu thơ: “ Sống nhờ đất khách, thác chôn quê người.” Gần nửa thế kỷ sống nơi xứ người, nhìn lại tuổi đời chồng chất, nhạc sĩ đã cảm nhận đươc nỗi cô đơn và chợt phát hiện sự thâm thúy của hồn thơ đượm triết lý nhân sinh, tư tưởng, lẽ đạo. Từ đó nhạc sĩ nghiền ngẫm tác phẩm rồi chợt hiểu: Tại sao Nguyễn Du lại đặt tên cho tác phẩm là Đoạn Trường Tân Thanh. Khám phá được cái lẽ đạo trong Kiều, nhạc sĩ đã quyết bắt tay vào phổ nhạc thi phẩm. Đây là một việc làm rất khó, cái khó nhất là vì đó là một tác phẩm lớn của dân tộc đòi hỏi nhạc sĩ phải có thực tài, nắm bắt được cái tinh hoa của hồn thơ, tính nhạc toàn thi tập. Nhạc sĩ phải dàn trải giai điệu, nhịp điệu, sắp đặt thể loại soạn thành những cấu trúc đoạn nhạc khác nhau; nhưng vẫn hài hòa, tạo ra từng phân đoạn hợp với tình tiết câu thơ theo nhân vật trong truyện. Cái khó của thơ lục bát là nhịp mạnh thường rơi vào cuối câu vần bằng, do đó nhạc sĩ phải khéo dùng những biến cung để dòng nhạc chuyển tiếp linh động không nhàm chán, lê thê. Từ trước đến nay những bài thơ lục bát của nhiều nhà thơ nếu được phổ thành nhạc, hầu hết những bài thơ đó không dài quá 30 câu để nhạc sĩ dễ cảm nhận phổ thành ca khúc. Để thực hiện bản trường ca, Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện đã phải bỏ ra 6 tháng để phân tích dàn trải cấu trúc toàn thi tập, tạo những thể điệu khác nhau và gần 5 năm từ đầu năm 2005 đến đầu 2009 mới hoàn tất xong trường ca. Gọi là trường ca vì những chuỗi hình nốt, giai điệu, tiếp nối nhau diễn tả dựa trên lời thơ không gián đoạn ý mà soạn cấu trúc nhạc theo lối tây phương. Điểm khó nhất đối với một thi phẩm lớn là không được sửa lời thơ, hay đổi thứ tự chữ để giai điệu, câu nhạc có kết hay… Nhạc sĩ đã dùng nhiều biến cung thăng, giảm để dòng nhạc ít quay về chủ âm (tonique), hoặc khéo léo dùng những thể điệu, tiết tấu, uyển chuyển của dòng nhạc Balade pha lẫn Blue Jazz, Bossanova, Boléro, Valse Andantino, Rock lente, Mambo… tạo sự bìến đổi cấu trúc giai điệu thành từng đoạn khác nhau làm phong phú ý nhạc. Mời qúy bạn bước vào cõi nhạc của Quách Vĩnh Thiện trong Trường Ca Đoạn Trường Tân Thanh thưởng thức những giai điệu đặc biệt của riêng Quách VĩnhThiện: Mở đầu bằng cung Ré thứ, điệu Mambo chậm buồn diễn tả nỗi lòng của thi hào Nguyễn Du. Dòng nhạc chuyển sang Boléro tiết điệu mềm mại gần với dân ca, rất quen thuộc trong làng tân nhạc trước 75 ở miền nam, để diễn tả lời thơ. Dòng nhạc biến cung sang Mi thứ và chuyển điệu Bossa Nova, Tempo chậm nghe có chút gì xa vắng. Ở đoạn thơ nầy Quách Vĩnh Thiện đã dùng cấu trúc làm điệu Lambada, lối nhạc rất hiếm trong làng nhạc Việt Nam… Tuy nhiên Tempo hơi chậm, chắc để phát âm rõ ràng. Dòng nhạc biến cung, nhịp điệu tiết tấu thay đổi, Balade lãng mạn trữ tình chuyển sang Rock Lente linh động, rộn ràng. Dòng nhạc thay đổi nhịp điệu, tiết tấu. Giai điệu Slow nhẹ nhàng chuyển sang Blue Jazz một chất nhạc phát từ những nỗi buồn thân phận. Giai điệu buồn pha chút âm hưởng Á đông. Giai điệu Mambo diễn tả vui buồn lẫn lộn, có chút bùi ngùi, thương tiếc. Dòng nhạc chuyển sang Libre có chút Rock, diễn tả sự buồn bã, đau khổ. Dòng nhạc chuyển sang Samba, thể điệu rất hiếm trong làng nhạc Việt Nam, tác giả cố ý dung Tempo chậm lại để phát âm rõ ràng. Dòng nhạc biến cung đổi nhịp chuyển giai điệu sang Boston mềm mại và Valse Andantino dìu dặt nhẹ nhàng. Từ cung Mi thứ giai điệu Valse Andantino khoan thai dịu dàng, dòng nhạc biến cung Si giáng thứ, giai điệu Pop Rock làm thay đổi sắc thái dòng nhạc. Từ điệu Jazz nhẹ nhàng lướt qua Tango, đây là cách soạn nhạc rất mới và rất hiếm về thể nhạc nầy trong vòm trời âm nhạc? Và tiếp theo là Jazz Valse. Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện đã mang tiếng đàn trải lên khuông nhạc nên đã dùng điệu Valse hòa với nhạc Jazz. Đây cũng là một lối nhạc độc nhất, chưa có người nhạc sĩ sáng tác nào viết. Thực hiện bản trường ca Đoạn Trường Tân Thanh, nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện đã gieo vào vườn hoa nghệ thuật một hạt mầm để ươm thêm sắc màu cho muôn hoa. Và trong cõi bất tận của âm thanh, có những dòng nhạc khai phá sáng tạo của riêng anh. Đây cũng là tấm lòng bày tỏ sự ca ngợi thi phẩm và cảm ơn tác giả thi hào Nguyễn Du đã cho đời một tác phẩm hay và cho nhạc sĩ một nguồn cảm hứng phổ nhạc…” (trích lời thi sĩ Đỗ Bình) Còn Giáo sư Hàn Lâm Lê Mộng Nguyên, mà cũng là nhà soạn nhạc nổi tiếng, tác giả bài hát “Trăng mờ bên suối“ cũng nói về Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện trong ngày 12/04/2009 như sau : Truyện Kiều (3254 câu thơ) của Nguyễn Du do Quách Vĩnh Thiện phổ nhạc toàn bộ : một công trình vĩ đại, một sáng tác chưa từng có (Le poème Kim Văn Kiều – 3254 vers – de Nguyễn Du mis en musique par le compositeur Quách Vĩnh Thiện: un travail grandiose, une œuvre sans précédent). Chúng ta biết trước đó, với Kiều Ca (Le roman de Kiều en chansons), Thu Hà và nhóm nghệ sĩ trong đoàn ca nhạc của nàng, đã làm 2 CD dài gần 2 tiếng đồng hồ, gồm một phần Ngâm và một phần bằng lời Ca (do Hải Hà phổ nhạc). Phần ngâm theo điệu cổ truyền gọi là Kiều Lẩy, nghĩa là lượm lặt những câu thơ trong Truyện Kiều từ nhiều đoạn khác nhau để thu ghép lại với nhau theo vần điệu, như mấy cụ nhà nho, nhà chùa ngâm Kiều ngày xưa… Khác hẳn với nữ Nghệ sĩ Bích Thuận trong CD «Kim Vân Kiều» của Bà, đã ngâm hoàn toàn theo kiểu Tao Đàn mà Đinh Hùng đã phát khởi từ thập niên 60 để ngâm thơ mới. Nhạc sĩ Phạm Duy cũng đã làm thử Minh Họa Kiều… Nhưng chưa ai, từ trước đến nay, đã có can đảm và nhiệt chí để phổ nhạc vào thơ Nguyễn Du từ câu 1 cho đến câu 3254 nghĩa là câu cuối «Mua vui cũng được một vài trống canh»! Công trình sáng tác của QVT đối với những người đi trước, thật là đặc biệt, chưa từng có, thật đáng khâm phục. Công trình vĩ đại này – tôi xin nhấn mạnh một lần nữa - sở dĩ được thực hiện, là nhờ can đảm và ý chí không sờn của tác giả Quách Vĩnh Thiện đã muốn lấy hết sức lực và tài năng của mình với mục đích bình dân hóa Truyện Kiều của nhà đại thi hào Nguyễn Du, đặng phụng sự một cách thuần túy văn hóa và đất nước Việt Nam, như cụ Phạm Quỳnh đã nói trong ngày giỗ của Tố Như Tiên Sinh, năm 1924 tại Hà Nội : «Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn, còn non còn nước còn dài, chúng tôi là kẻ hậu sinh xin dầu lòng dốc chí, cố gia công trau chuốt lấy tiếng quốc âm nhà, cho quốc hoa ngày một rực rỡ, quốc hồn ngày một tỉnh táo, quốc vận ngày một vẻ vang, ngõ hầu khỏi phụ cái chí hoài bão của tiên sinh, ngậm cười chín suối vẫn còn thơm lây» (Tạp chí Nam Phong, tháng 08-1924). Nhà phê bình Vũ Đình Long cũng đã ca tụng trong Nam Phong 1924, rằng: «Truyện Kiều thực là một cây đàn tuyệt quý không phím không dây. Tác giả lấy đầu lưỡi mà nẩy lên tiếng, mỗi đoạn văn là một cung, mỗi câu văn là một điệu, mỗi chữ là một tay nỉ non thánh thót, réo rắt tiêu tao, đêm khuya canh tỉnh mà nghe người tốt giọng ngâm Kiều thì còn đàn nào hay bằng nữa… Cụ Nguyễn Du không phải là nhà thi sĩ, cụ chính là THẦN THƠ vậy!» Trong Chiều Văn Hóa ngày 27 th.01-2008 tại Quán Đào Viên (Paris, Quận 13), tác giả QVT trình bày CD KVK 1 «Trăm Năm Trong Cõi Người Ta» và CD KVK 2 «Bên Tình Bên Hiếu», tâm tình với cử tọa: «Truyện Kiều không chỉ là tiếng kêu thương đau cho thân phận một người con gái tài sắc, còn là lời tố cáo đanh thép những bất công tàn ác của một xã hội rối ren và mục nát vào thế kỷ 18 và 19. Nguyễn Du khóc cho thân phận Thúy Kiều là phản ảnh của tâm trạng mình. Truyện Kiều là một tác phẩm phong phú, độc đáo của dân tộc Việt Nam». Trên Đài Việt Nam Tự Do – New Orleans ngày thứ tư 12 th.03-2008, tôi có mời thính giả thưởng thức bài «Mộng Triệu Mạch Tương» (từ câu 235 đến câu 270), trích CD KVK 1 do nam ca sĩ Thụy Long trình bày (với giọng hát truyền cảm), có đoạn tả cảnh tả tình rất đẹp như sau : Bâng khuâng nhớ cảnh nhớ người Nhớ nơi kỳ ngộ vội rời chân đi Một vùng cỏ mọc xanh rì Nước ngâm trong vắt thấy gì nữa đâu Gió chiều như gợi cơn sầu Vi Lô hiu hắt như màu khơi trêu …………………………………………. Và 2 câu cuối của bài ca: Lơ thơ tơ liễu buông mành Con oanh học nói trên cành mỉa mai Nhất Linh - Nguyễn Tường Tam không ngớt lời khen ngợi, trong Tạp Chí Nam Phong năm 1924: «Cái làn sóng thơ Kiều hình như lai láng khắp cõi Nam. Trừ những câu ca dao ra, thật không có quyển truyện nào phổ thông trong đám dân gian bằng Truyện Kiều. Vì văn Kiều hay quá, nên những người nhà quê không có học thức cũng thích xem và thích ngâm nga. Nhưng nói đến cái hay của văn Kiều thì chưa biết thế nào mà kể được… ». Nhất Linh nhận định trong câu Lơ thơ tơ liễu buông mành, rằng ba chữ lơ thơ tơ « … nghe rất êm tai, hay về phần tưởng tượng ít mà hay về phần âm điệu êm ái nhiều hơn.» Nhạc của QVT về mặt này đã diễn tả, rất lãng mạn, những nét đẹp của vạn vật và con người, như ước vọng của tác giả Đoạn Trường Tân Thanh. Cũng trên Đài VNTD – New Orleans, ngày thứ tư 23 th.07 – 2008, tôi có giới thiệu CD KVK 3 «Quyến Gió Rủ Mây» (từ câu 891 đến 1312) gồm 11 bài: tôi chọn bài CHƯƠNG ĐÀI (từ câu 1233 đến 1274) để cống hiến quý thính giả một giọng ca trầm ấm và mến cảm của nữ ca sĩ nổi tiếng HƯƠNG GIANG với cây đàn guitare lão luyện của QVT, đã làm nổi bật cái buồn sâu đậm của nàng Kiều bị đày đọa chốn thanh lâu (ở đây, người và cảnh hòa hợp, ta cảm tưởng vạn vật cũng có linh hồn) : Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ Đòi phen nét vẽ câu thơ Cung cầm trong nguyệt nước cờ dưới hoa Vui là vui gượng kẻo mà Ai tri âm đó mặn mà với ai? …………………………………………… Khi về hỏi liễu Chương Đài Cành xuân đã bẻ cho người chuyên tay ……………………………………………. Song sa vò võ phương trời Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng Trích từ KVK 3, có bài «Buồn Trông» đượm buồn man mác qua giọng ca của nữ ca sĩ Quỳnh Lan, cùng nhạc đệm do tác giả QVT độc tấu Tây Ban Cầm rất quyến rũ: Buồn trông cửa bể chiều hôm Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa Buồn trông ngọn nước mới sa Hoa trôi man mác biết là về đâu Buồn trông nội cỏ rầu rầu Chân mây mặt đất một màu xanh xanh ……………………………………….. GS Phạm thị Nhung phân tích: «Từ lầu Ngưng Bích, với tâm hồn nặng trĩu ưu tư, Kiều đưa mắt ngắm nhìn phong cảnh chiều hôm, nơi cửa bể. Lúc này ngoài cửa bể mặt trời đã lặn, ánh nắng yếu ớt phai dần, bóng tối đã bắt đầu bảng lảng. Cảnh vật trở nên mờ nhạt hơn, khó nhìn hơn. Bóng tối đến còn gây thêm ảnh hưởng vào bóng tối u sầu trong tâm hồn Kiều. Nhìn ra bể khơi, Kiều thấy xa xa ẩn hiện một cánh buồm. Con thuyền hiện ra đó, chính là hình ảnh tượng trưng cho tự do mà từ bấy lâu nay nàng hằng ao ước, khát khao. Nhưng hy vọng tự do nào vừa dấy lên trong lòng Kiều thì rồi cũng lại tắt ngấm, khác nào cánh buồm kia vừa thoáng hiện ra đó lại đã biến đi. Kiều cay đắng nhận ra rằng tự do còn quá xa tầm tay với, của nàng, biết bao giờ, ôi biết đến bao giờ Kiều mới thoát cảnh sống bị giam hãm nơi này? ». Phải chăng Nguyễn Duở đây là một nhà thơ ấn tượng (poète impressionniste) và Quách Vĩnh Thiện cũng là một nhạc sĩ ấn tượng (compositeur impressionniste)? Trong đoạn trích từ Bài số 6 của CD KVK 4 tên là TRĂNG HOA 1515-1554, do Quỳnh Lan hát, tác giả KVK tả tình và tả cảnh một cuộc chia ly qua vài nét nhẹ nhàng, đã hiến cho ta một bức tranh tuyệt vời : Dặm hồng bụi cuốn chinh an Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh Người về chiếc bóng năm canh Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi Vầng trăng ai xẻ làm đôi Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường ……. Ngoài ra, ở Nguyễn Du còn có cái triết lý Phật giáo biểu hiện qua lời kết thúc Đoạn Trường Tân Thanh : Thiện căn ở tại lòng ta Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài Tố Như Tiên Sinh muốn chúng ta, như học giả Trần Trọng Kim đã viết: « … hãy giữ lấy tấm lòng trong sạch, dẫu có phải phong trần, cũng không đổi lòng, thay dạ, ấy là cái thiện căn ở sẵn đó rồi. Lời kết luận ấy rất có ý nghĩa, khiến cho ai đọc cũng phải đem lòng ngẫm nghĩ ». (Trích lời Giáo sư Lê Mộng Nguyên) Và Giáo sư Dân Tộc Học mà cũng là nhà báo Nguyễn văn Huy, trong một bài viết về nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện cũng đã nêu lên: “…Chủ đích của Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện là dắt người nghe khởi đầu đi từ nhạc cổ truyền của Việt Nam là đàn tranh, đàn cò, sáo... sang các thể loại nhạc khác nhau trên thế giới để sau đó trở về với cội nguồn âm nhạc Việt Nam…” Ngoài ra, Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện sắp hoàn tất vào đầu năm 2010 việc phổ nhạc một tác phẩm văn chương hy hữu khác của kho tàng văn hóa Việt Nam, đó là tác phẩm CHINH PHỤ NGÂM với 412 câu thơ do bà Đoàn thị Điểm chuyển thành thơ chữ nôm. Lần nầy sẽ là 21 bài phổ nhạc và vẫn giử nguyên vẹn lời thơ như nhạc sĩ đã thực hiện cho Kim Vân Kiều. 21 bài nhạc nầy được thực hiện trong 2 CD: * Chinh Phụ Ngâm 1 - Nợ Núi Sông với 11 bài. * Chinh Phụ Ngâm 2 - Vinh Quang với 10 bài. Hiện Nhạc sĩ Quách Vĩnh-Thiện đang sống tại vùng phụ cận Paris. Liên lạc : Quách Vĩnh Thiện, 54 rue Roger Salengro, 93140 Bondy France Điện thoại : 06 09 76 89 45. Điện thư : quachvinhthien@gmail.com Tìm xem http://thienmusic.com
Thành Viên Hàn Lâm Viện Âu Châu hiện diện ngày 28/11/2009 (Photo du 28 Novembre 2009 à la Bibliothèque Polonaise Paris) Les membres de l’Académie Européenne des Sciences, des Arts et des Lettres.
Nhạc sĩ Quách Vĩnh-Thiện và Thanh-Vân Ngày 28/11/2009
Trọng Minh (VNHN)